Soạn bài Vợ nhặt lớp 12

Soạn bài Vợ nhặt lớp 12

Soạn bài Vợ nhặt thuộc Soạn bài tập lớp 12

Câu 3. Dựa vào nội dung truyện, hãy giải thích nhan đề Vợ nhặt. Qua tình huống trong truyện, hiểu gì về tình cảm và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói 1945?

1. Dựa vào mạch truyện, có thể chia tác phẩm thành mấy đoạn? Ý chính của mỗi đoạn? Mạch truyện đã được dẫn dắt như thế nào?

Trả lời:

a. Tác phẩm có thể được chia thành bốn đoạn:

- Phần 1 (từ đầu đến tự đắc với mình) : Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.

- Phần 2 (tiếp đến đẩy xe bò về): kể lại chuyện hai người gặp nhau và nên vợ nên chồng.

- Phần 3 (tiếp đến nước mắt chảy ròng ròng): Tình thương của người mẹ nghèo khó.

- Phần 4 (phần còn lại): niềm tin vào tương lai tươi sáng.

b. Mạch truyện

Mạch truyện đã được dẫn dắt một cách tự nhiên, hợp logic và gắn với truyện truyền thống (chủ yếu theo thời gian tuyến tính): tuy nhiên sự hấp dẫn nằm trong nghịch lí mang tính hài hước của truyện kể: giữa ngày đói kém, một anh cu Tràng "quá lứa", "dở hơi" đưa một người đàn bà "rẻ rúng" về làm vợ. Mạch truyện bắt đầu từ đó: sự kiện khôi hài này tất yếu gây ra những lời bàn tán hài hước và xót xa; rồi màn bi - hài kịch diễn ra trong nhà cụ Tứ. Cuối cùng tác giả đã tìm được lối thoát cho truyện: giữa những âm thanh của tiếng trống thúc thuế, dồn người ta đến bước đường cùng, hình ảnh lá cờ Việt Minh và đoàn người phá kho thóc của Nhật trong câu chuyện mơ hồ và xa xôi (Nghe đâu tận Thái Nguyên, Bắc Giang) xuất hiện và ám ảnh trong đầu óc của Tràng.

2. Vì sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà? Sự ngạc nhiên của các nhân vật trong truyện cho thấy nhà văn đã sáng tạo đưực tình huống truyện như thế nào? Tình huống đó có những tác dụng gì đối với nội dung, ý nghĩa của thiên truyện?

Trả lời:

a. Người dân xóm ngụ cư và các nhân vật khác trong truyện như bà cụ Tứ, và cả bản thân Tràng đều đã ngạc nhiên vì Tràng có vợ giữa cảnh nạn đói đang đe dọa.

-   Tràng là một người có ngoại hình xấu, lời ăn tiếng nói cũng cộc cằn, thô kệch. Gia cảnh của Tràng nghèo khổ, lại là dần xóm ngụ cư (không có ruộng đất). Nguy cơ ế vợ đã rõ. Gặp nạn đói khủng khiếp, cái chết đang đeo bám, mọi người đều nghĩ đến lấy gì mà ăn để sống qua ngày, thì đột nhiên Tràng lại lấy vợ. Trong cảnh đói, Tràng "nhặt" được vợ là "nhặt" thêm một miệng ăn, cũng đồng thời là nhặt thêm tai họa cho mình. Vì vậy, việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt.

-   Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, cùng bàn tán, phán đoán rồi cũng nghĩ: "biết có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không?" và họ cũng im lặng.

-   Bà cụ Tứ, mẹ Tràng lại càng ngạc nhiên hơn. Bà lão chẳng hiểu gì, rồi "cúi đầu im lặng" với nỗi lo riêng mà rất chung: "Biết chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?".

-   Bản thân Tràng cũng bất ngờ với chính hạnh phúc của mình. "Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà đến bây giờ hắn vẫn còn đang ngờ ngợ". Thậm chí sáng hôm sau Tràng vẫn chưa hết bàng hoàng.